Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Truyền thông xã hội không thể lấn át báo chí truyền thống

Báo chí Việt Nam tự do phát triển và năng động

Giám đốc tập đoàn nghiên cứu thị trường GFK khu vực châu Á, ông Li Rít-xcơ (Lee Risk) cho biết, tập đoàn của ông đã nhiều năm nghiên cứu về thị trường truyền thông ở châu Á. Ông cho biết, đã tới Việt Nam từ năm 1980, khi đó báo chí Việt Nam chưa có nhiều kênh, nhiều loại hình phong phú như bây giờ. Hiện nay, báo chí Việt Nam đang ở thời kỳ bùng nổ các loại hình truyền thông từ phát thanh, truyền hình, truyền hình vệ tinh, báo in, các tạp chí… “Điều đó cho thấy Việt Nam có một nền báo chí tự do, giúp mọi người có nhiều cơ hội để tự do bày tỏ quan điểm, chính kiến. Điều đó cho thấy sự dân chủ. Người dân được thoải mái lựa chọn loại hình báo chí mình yêu thích…”, ông Li Rít-xcơ nhận xét.

Ông Li Rít-xcơ.

Cùng quan điểm với ông Li Rít-xcơ, ông Mác-tin Hát-lâu (Martin Hadlow), Tổng thư ký Trung tâm thông tin, liên lạc truyền thông châu Á (AMIC), đơn vị đồng tổ chức hội nghị lần này đánh giá tích cực sự phát triển của lĩnh vực truyền thông, báo chí của Việt Nam hiện nay. “Càng có nhiều loại hình báo chí đồng nghĩa với có nhiều tự do hơn. Vì mọi người có cơ hội được đọc nhiều hơn, từ đó sẽ có nhiều góc nhìn, đánh giá cũng như cách thể hiện quan điểm khác nhau”. Bà Na-ta-li-a I-li-ê-va (Natalia Ilieva), Trợ lý cao cấp của Tổng thư ký Hiệp hội Phát thanh và Truyền hình châu Á-Thái Bình Dương (ABU), đánh giá cao sự phát triển năng động và đa dạng của báo chí Việt Nam với sự nở rộ của các loại hình báo chí khác nhau.

Chuyên gia Giêm Rốt (James Ross), Tổng giám đốc công ty Lightning International chuyên cung cấp các giải pháp phát triển nội dung và truyền thông ở châu Á, cho rằng, báo chí Việt Nam đang phát triển nhanh chóng cùng với sự phát triển của đất nước. Ông lưu ý, báo chí nói chung cần biết cân bằng giữa các mục đích thông tin, giáo dục và giải trí để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các độc giả khác nhau. Nhất là ở những nước đang phát triển như Việt Nam, nhu cầu thông tin, giáo dục thường lớn ở khu vực nông thôn, trong khi ở khu vực thành thị lại có nhu cầu giải trí lớn hơn.

Ông Giêm Rốt.

Truyền thông xã hội không phải là thách thức mà là cơ hội

Trước thực tế có những đánh giá khá bi quan về tương lai của báo in trong bối cảnh bùng nổ truyền thông trực tuyến và truyền thông xã hội, các đại biểu đều có chung quan điểm, báo in sẽ không “chết” mà sẽ phát triển song hành với các loại hình báo chí khác, bất chấp một số thách thức. Bà N.I-li-ê-va cho rằng, không nên coi việc bùng nổ truyền thông trực tuyến hay các mạng xã hội là thách thức mà nên coi đó là cơ hội cho các loại hình báo chí truyền thống phát triển, bao gồm báo in. “Vấn đề là chúng ta biết cách thay đổi để thích nghi về cả dịch vụ, nội dung và luôn tìm kiếm những cách thức thể hiện hấp dẫn”, bà chia sẻ. Bà N.I-li-ê-va tin rằng, báo in sẽ không “chết” mà sẽ có những thay đổi như những gì mà báo chí thế giới đã và đang thể hiện.

Ông Mác-tin Hát-lâu.

Bà Na-ta-li-a I-li-ê-va.

Ông Li Rít-xcơ cho rằng, không thể phủ nhận những thách thức mà truyền thông trực tuyến, truyền hình số và truyền thông xã hội tạo ra cho báo in. Trong đó, bao gồm khó khăn về tài chính vì hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm tới báo chí trực tuyến, truyền hình để quảng cáo thay vì báo in. Ông Li Rít-xcơ lưu ý, đây không chỉ là thách thức với một số tờ báo ở châu Âu hay Mỹ mà cả đối với các tờ báo in ở Việt Nam. Tuy nhiên, ông Li Rít-xcơ đánh giá lạc quan rằng: “Báo in sẽ tiếp tục phát triển song song với báo chí trực tuyến theo xu hướng bổ trợ nhau cùng phát triển”. Ông cũng chia sẻ quan điểm: “Sự bùng nổ của truyền thông xã hội không phải là thách thức mà là cơ hội, báo in cũng có sức hấp dẫn riêng và vẫn duy trì được một bộ phận không nhỏ độc giả muốn tìm kiếm những phân tích và đánh giá kỹ lưỡng về các vấn đề trong các bài viết”.

Nhìn nhận vấn đề dưới một góc nhìn khác, ông Giêm Rốt cho rằng, truyền thông xã hội mặc dù có ưu thế về tốc độ nhanh chóng của thông tin và sức lan tỏa tới số đông, nhưng cũng có những mặt trái. Theo ông Giêm Rốt, độ xác thực của thông tin trên các trang mạng xã hội thường không được kiểm chứng nên thường chỉ được coi là một kênh thông tin tham khảo chứ không phải là nơi mà người theo dõi muốn kiểm chứng thông tin. Ông nhấn mạnh: “Báo in thực sự rất thú vị. Thực tế báo in vẫn chiếm được niềm tin của một bộ phận lớn độc giả không chỉ bởi có độ tin cậy cao hơn mà còn bởi sự thuận tiện cho nhiều người”.

Bài và ảnh:MỸ HẠNH


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét